Với các bé dưới 5 tuổi, biểu hiện nhõng nhẽo, mè nheo của các bé có lẽ đã không còn quá xa lạ với cha mẹ. Cách “đối phó” thường thấy có thể cha mẹ chiều theo ý trẻ để tìm sự yên lặng hoặc lớn tiếng tạo cho bé sự sợ hãi. Với những phương pháp này điều sẽ tạo nên sự ảnh hưởng xấu đến tính cách và tâm lý của trẻ. Cha mẹ hãy cùng tìm hiểu cách giúp bé vượt qua giai đoạn này nhé!
Có 2 nguyên nhân dẫn đến tình trạng bé nhõng nhẽo, mè nheo với độ tuổi này
Nguyên nhân 1: Bé bước vào tuần khủng hoảng hay còn gọi là tuần nhõng nhẽo. Đây là giai đoạn mà bé “khó ở”, buồn vui bất chợt khiến ba mẹ trở tay không kịp. Giai đoạn này kéo dài từ 1 đến 6 tuần, cũng có thể là 8 tuần. Trong thời gian bé diễn ra nhiều cảm xúc, bám mẹ, mè nheo và nhõng nhẽo. Do vậy ba mẹ cần tìm hiểu nhiều hơn về các giai đoạn khủng hoảng ở trẻ nhé!
Nguyên nhân 2: Hầu hết mọi hoạt động thường ngày của bé từ ăn uống, vui chơi, tắm rửa,.. đều phụ thuộc vào người lớn. Vì bị phụ thuộc như vậy nên các bé cần sự quan tâm và chú ý để người lớn muốn ăn, muốn chơi gì,.. Tuy nhiên, do khả năng ngôn ngữ chưa đủ để nói ra hết mong muốn nên trẻ chọn cách nhõng nhẽo
Giải thích cho con
Với trẻ mục đích nhõng nhẽo chỉ đơn giản là muốn sự chú ý mà thôi, nhưng lại vô tình gây ra sự khó chịu đối với cha mẹ. Nếu cha mẹ phản ứng bằng cách ra mệnh lệnh “Dừng lại ngay” và thái độ nghiêm khắc thì trẻ sẽ không bao giờ hiểu ra vấn đề. Điều này cũng vô tình tạo ra tâm lý tổn thương và sự phản đối thái quá từ trẻ.
Thay vào đó, vào mỗi lần bé nhõng nhẽo, ba mẹ hãy dành thời gian giải thích cho trẻ âm thanh này gây khó chịu cho người nghe như thế nào.
Phản ứng lại sự nhõng nhẽo của con một cách kiên định
Dù mong muốn của con có chính đáng nhưng cha mẹ hãy cho con hiểu rằng cách thể hiện bằng giọng nói nhõng nhẽo của con khiến cha mẹ không hiểu con đang nói gì và còn cần cha mẹ giúp gì. Điều đó còn khiến cha mẹ khó chịu và không vui vẻ.
Việc đáp ứng mọi yêu cầu của trẻ khi con nhõng nhẽo sẽ hình thành một tính cách xấu cho trẻ. Thay vào đó cha mẹ hãy giải thích rằng “Con khóc khiến mẹ không nghe rõ con nói gì. Con hãy nói lại một lần nữa cho mẹ nghe rõ”. Và mỗi lần con nhõng nhẽo mẹ hãy áp dụng nguyên tắc này. Có thể lần sau bé vẫn sẽ tiếp tục nhõng nhẽo nhưng mẹ hãy kiên trì đến khi bé bỏ thói quen này.
Và ba mẹ hãy xem xét yêu cầu của trẻ có chính đáng hay không, dù trẻ có nói rõ yêu cầu thì cũng nên cân nhắc và từ chối bé khi yêu cầu không hợp lý.
Thấu hiểu nhu cầu được quan tâm của con
Trong độ tuổi này con sẽ không dễ dàng biểu thị được mong muốn của mình, chính vì vậy việc nhõng nhẽo hay mè nhẽo chỉ là biểu hiện cần quan tâm của trẻ. Ba mẹ hãy thể hiện sự đồng cảm bằng cách ngồi ngang tầm với con và giao tiếp bằng mắt. Khi đó con sẽ biết rằng ba mẹ đang quan tâm và lắng nghe mình. Khi nhu cầu quan tâm được thỏa mãn, bé sẽ nói ra suy nghĩ của mình cho bố mẹ nghe.
Mỗi khi trẻ bày tỏ mong muốn bằng lời nói cha mẹ hãy cố gắng đáp ứng. Nhưng nếu không thể đáp ứng ngay lúc đó, thì cha mẹ hãy công nhận mong muốn của con và nói cụ thể khi nào mình có thể đáp ứng.
Với độ tuổi này trẻ sẽ không thể kiên nhẫn chờ đợi điều gì đó quá 2 phút. Do đó, ba mẹ không nên để con chờ đợi quá lâu. Nhưng nếu con hiểu chuyện và chấp nhận chờ đợi thì ba mẹ hãy dành cho con lời khen vì con xứng đáng nhận được điều đó!
Hướng dẫn trẻ giải quyết vấn đề một cách tích cực hơn
Khi tình trạng mè nheo của trẻ diễn ra không hồi kết. Việc cha mẹ giải thích cho trẻ về cảm xúc của chính bản thân là rất cần thiết “Ba mẹ biết rằng con đang khó chịu. Là vì chiều này con không được đi công viên đúng không? Con đừng khóc nữa mà hãy nói cho cha mẹ biết đi nào”. Sau câu nói này có thể giúp trẻ bình tĩnh và mở lòng hơn với cha mẹ.
Nếu biết bé nhõng nhẽo vì muốn được quan tâm hơn thì cha mẹ hãy thường xuyên dành thời gian cùng con tham gia các hoạt động thú vị như chơi ghép hình, đọc truyện hay nói về những sở thích của con.
Khi con nhận thức được lời nói của cha mẹ và không con mè nheo nữa, ba mẹ hãy âu yếm và khen ngợi để bé biết mình đã làm tốt. Lâu dần những em bé khóc nhõng nhẽo ngày nào sẽ không làm ba mẹ phiền lòng nữa.
Tránh các tình huống khiến trẻ khó chịu
Nếu cha mẹ cảm thấy khó khăn khi nghe tiếng khóc và sự nhõng nhẽo của con, thì tốt nhất cha mẹ nên tránh những tình huống khiến con khó chịu. Có một số tình huống bé nhõng nhẽo vì chính sự chưa thật sự thấu hiểu của cha mẹ. Bé làm sao có thể thấy vui vẻ và thoải mái khi đang đói lại phải cùng mẹ đi mua đồ ăn. Chắc chắn bé sẽ mè nheo và đòi mẹ mua bánh kẹo cho mình. Vậy nên trước khi ra ngoài, mẹ hãy cho con ăn trước và mang theo một số đồ ăn vặt lành mạnh để chuyến mua sắm của mẹ và bé được “bình yên” nhất có thể.
Nguyên nhân trẻ nhõng nhẽo cũng có thể là vì chưa hoàn thiện kỹ năng giao tiếp. Trẻ chưa biết cách thể hiện cảm xúc và mong muốn của mình bằng ngôn ngữ.Vì vậy trẻ nhõng nhẽo để báo hiệu cho cha mẹ rằng “Con đang khó chịu”, “Con muốn cái này, con muốn cái kia”,…
Thấu hiểu được điều này, cha mẹ cần biết cách chuyển chủ đề để được con ra khỏi những cảm xúc tiêu cực vốn là nguồn cơn của việc nhõng nhẽo.
Không nhượng bộ
Ba mẹ hãy cố gắng tỏ ra không quan tâm khi con nhõng nhẽo, mè nheo, nếu con chỉ vừa khóc mà cha mẹ đã quay sang dỗ dành và đáp ứng thì ba mẹ sẽ mãi là người “thua cuộc”.
Biết ra nghe con khóc sẽ khó có cha mẹ nào yên lòng nhưng việc đáp ứng trẻ sẽ khiến tình trạng này diễn ra thường xuyên và trở thành thói quen xấu của trẻ. Dù ở đâu hay ở với ai con mè nheo hay khóc dữ dội như thế nào thì trước hết cha mẹ nên bình tĩnh, đừng nhanh chóng nhượng bộ vì ánh mắt dòm ngó xung quanh.
Nếu dỗ dành và đáp ứng nhu cầu của con ngay khi con vừa khóc lóc thì sẽ có nhiều lần nữa cha mẹ đối diện với việc này.
Mong rằng những chia sẻ này sẽ giúp cha mẹ có cách giải quyết vấn đề nhõng nhẽo của trẻ tốt hơn. Chúc cha mẹ thành công nhé!
Nguồn: Babycenter.