Việc đơn giản nhưng lại mang đến lợi ích to lớn cho quá trình phát triển và khôn lớn của con.
Độ tuổi từ 3 – 6 là giai đoạn phát triển ngôn ngữ mạnh mẽ của con. Chính vì vậy, việc ba mẹ dành thời gian lắng nghe và trò chuyện cùng con, không chỉ giúp con phát triển về khả năng ngôn ngữ mà còn mang đến 6 lợi ích lớn như:
Tuy nhiên cách lắng nghe và trò chuyện cùng con như thế nào để mang lại hiệu quả tốt nhất thì không phải ba mẹ nào cũng biết. Cùng Học viện The Dragon tìm hiểu chủ đề này nhé!
LẮNG NGHE
Khi ba mẹ lắng nghe trẻ, trẻ sẽ hiểu rằng những suy nghĩ và lời nói của mình là quan trọng đối với ba mẹ. Việc này rất tốt cho sự phát triển kỹ năng giao tiếp của trẻ, cũng như cho mối quan hệ giữa ba mẹ với trẻ nữa.
Dưới đây là những gì ba mẹ có thể làm để thể hiện rằng mình lắng nghe con:
Ngừng những việc mình đang làm để hoàn toàn chú ý đến trẻ, vào bất kỳ khi nào có thể.
Cúi người hoặc ngồi xuống ngang tầm với trẻ và nhìn vào mắt trẻ khi trò chuyện.
Chú ý tới ngôn ngữ cơ thể của trẻ để có phản ứng phù hợp. Ví dụ, trẻ nhún nhảy do hào hứng thì bố mẹ cũng nên tỏ ra hào hứng theo.
Khi trẻ kể cho ba mẹ điều gì đó, hãy tóm tắt lại để xem liệu ba mẹ đã hiểu đúng những gì trẻ nói chưa.
Dùng các cụm từ để thể hiện rằng ba mẹ đang hứng thú với câu chuyện của trẻ (“Thật hả?”, “Rồi sao nữa?”…).
Gật đầu, cười và thể hiện thái độ yêu thương khi trẻ đang nói.
Cố gắng nghe cho đến khi trẻ kể xong câu chuyện.
Ở giai đoạn này, trẻ rất thích trò chuyện và kể chuyện. Do đó, nếu ba mẹ chưa thể nghe ngay hoặc cần dừng lại vì câu chuyện quá dài, hãy nói cho trẻ biết. Ví dụ: “Mình sắp phải đi học rồi, con muốn kể nốt câu chuyện này thật nhanh, hay là chiều về con kể tiếp?”. Và nếu đã hẹn trẻ đến lúc khác trò chuyện tiếp thì ba mẹ nhớ giữ đúng lời nhé.
TRÒ CHUYỆN
Đôi khi, trẻ vẫn chưa thể hiểu hết được những gì ba mẹ nói. Ba mẹ có thể tham khảo một vài “mẹo” dưới đây để giao tiếp rõ ràng và phù hợp với trẻ 3-6 tuổi:
Nói chính xác những gì ba mẹ định nói, vì trẻ chưa hiểu được những lời nói đùa, bóng gió hay phóng đại.
Thể hiện nét mặt và cử chỉ phù hợp với những gì ba mẹ đang nói. Ví dụ, khi nói lời yêu thương thì ba mẹ nên cười và nhìn vào mắt trẻ.
Nếu trẻ chưa hiểu, ba mẹ nên diễn đạt lại câu nói theo một vài cách khác. Ví dụ: Nếu con không hiểu câu nói “Con ngoắc balo lên móc nhé” ba mẹ có thể đổi lại “Con cầm balo lên rồi treo nó lên móc nhé”.
Giải thích về những điều mà ba mẹ đang đề cập đến, để trẻ hiểu cách trả lời cho câu hỏi “tại sao”. Ví dụ: “Mình phải đi bộ trên vỉa hè, vì nếu đi dưới lòng đường sẽ dễ bị va vào xe cộ”.
Khuyến khích trẻ chờ đến lượt mình khi nói chuyện. Việc này giúp phát triển kỹ năng giao tiếp và lắng nghe của trẻ.
Khen ngợi trẻ thật nhiều.
Ngoài ra, ba mẹ nên dành thời gian để trả lời các câu hỏi của trẻ một cách nghiêm túc. Việc này sẽ khuyến khích trẻ hỏi nhiều hơn, mở rộng kiến thức về thế giới xung quanh. Nếu ba mẹ chưa có câu trả lời, hãy cùng trẻ bàn luận. Ví dụ: “Câu hỏi hay đó, để xem hai bố con mình có thể tìm ra câu trả lời không nào. Mình nên hỏi ai được nhỉ, hay lên mạng tìm, hoặc là hôm nào bố con mình ra thư viện tìm sách nhé?”.
Mong rằng với cách Lắng nghe và Trò chuyện này sẽ giúp ba mẹ và con gắn kết với nhau hơn nhé!